Tình hình sắp xếp, đổi mới và tái cơ cấu DNNN của Tập đoàn Dầu khí đến tháng 6 năm 2014

PVN đã triển khai công tác cổ phần hóa doanh nghiệp thành viên phù hợp với tiến độ đặt ra.

Phương án sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp và Đề án tái cơ cấu DNNN thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) giai đoạn 2011-2015:

Ngày 04/10/2011, Thủ tướng Chính phủ có Công văn số 1773/TTg-ĐMDN phê duyệt kế hoạch sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp của PVN giai đoạn 2011-2015. Theo đó, trong giai đoạn này, dự kiến duy trì 02 doanh nghiệp 100% vốn nhà nước (gồm: Tổng công ty Thăm dò khai thác dầu khí và Tổng công ty Điện lực Dầu khí); thực hiện cổ phần hóa 04 doanh nghiệp thành viên (Công ty TNHH MTV Lọc hóa dầu Bình Sơn, Công ty Phân bón Dầu khí Cà Mau, Tổng công ty Dầu Việt Nam, Công ty TNHH MTV Công nghiệp tàu thủy).

Ngày 05/01/2013, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 46/QĐ-TTg phê duyệt Đề án tái cơ cấu Tập đoàn Dầu khí Việt Nam giai đoạn 2012-2015. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt 05 lĩnh vực hoạt động kinh doanh chính của Tập đoàn với mục tiêu phát triển nhanh và đồng bộ từ tìm kiếm thăm dò, khai thác đến chế biến dầu khí, sản xuất phân bón, điện và dịch vụ dầu khí chất lượng cao. Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt PVN tiếp tục nắm giữ 100% vốn điều lệ tại Tổng công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí; thực hiện cổ phần hóa giai đoạn 2012-2015 đối với: Công ty Lọc Hóa dầu Bình Sơn, Công ty Phân bón Dầu khí Cà Mau và Công ty Công nghiệp Tàu thủy Dung Quất; cổ phần hóa sau năm 2015 đối với 02 Tổng công ty Dầu Việt Nam và Điện lực Dầu khí Việt Nam. Ngoài ra, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo PVN bán bớt phần vốn tại 06 doanh nghiệp, thoái toàn bộ vốn tại 05 doanh nghiệp.

Tình hình thực hiện sắp xếp doanh nghiệp 06 tháng đầu năm 2014:

Theo Báo cáo số số 1721/DKVN-TCNS ngày 31/7/2014 của Tập đoàn Dầu khí, kết quả sắp xếp, thoái vốn của PVN trong 6 tháng đầu năm đạt được như sau:

- Về công tác sắp xếp, cổ phần hóa: Thực hiện theo Đề án tái cơ cấu được phê duyệt, PVN đã triển khai công tác cổ phần hóa doanh nghiệp thành viên phù hợp với tiến độ đặt ra. Cụ thể được thể hiện ở Bảng sau:

Kết quả thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp thành viên của PVN đến tháng 6 năm 2014

TT

Tên Công ty

Hình thức sắp xếp được phê duyệt

Kết quả thực hiện tính đến tháng 6/2014

1

Công ty TNHH MTV Phân bón Dầu khí Cà Mau (PVCFC)

Cổ phần hóa giai đoạn 2012-2015, PVN giữ 51% vốn điều lệ

Đã hoàn thành xác định giá trị doanh nghiệp; dự kiến hoàn thành trong Quý IV/2014.

2

Công ty TNHH MTV Lọc Hoá Dầu Bình Sơn (BSR)

Cổ phần hóa giai đoạn 2012-2015, PVN giữ 75% vốn điều lệ

Dự kiến chuyển nhượng vốn, chuyển thành công ty TNHH 02 TV trở lên (PVN chuyển nhượng 49% phần vốn góp tại BSR cho Gazprom Neft)

3

Công ty TNHH MTV Công nghiệp Tàu thuỷ Dung Quất (DQS)

Cổ phần hóa giai đoạn 2012-2015, PVN giữ 36% vốn điều lệ

Đang triển khai thực hiện (gặp khó khăn về xử lý tài chính)

4

Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PVPower)

Cổ phần hóa saunăm 2015, PVN giữ 75% vốn điều lệ

Thực hiện Nghị quyết 15/NQ-CP, đang xây dựng kế hoạch đẩy nhanh tiến độ cổ phần hoá

5

Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOil)

Cổ phần hóa sau năm 2015, PVN giữ 75% vốn điều lệ

Thực hiện Nghị quyết 15/NQ-CP, đang xây dựng kế hoạch đẩy nhanh tiến độ cổ phần hoá

- Về kết quả thoái vốn 6 tháng đầu năm 2014 của PVN: Trong 6 tháng, tình hình thị trường tài chính tiền tệ vẫn còn nhiều diễn biến không thuận lợi và tác động của khủng hoảng kinh tế nhưng PVN đã thoái vốn như sau:

+ PVN hoàn thành chuyển giao nguyên trạng Công ty TNHH MTV Khu Công nghiệp Lai Vu cho UBND tỉnh Hải Dương; Tổng Công ty CP Xây lắp Dầu khí Việt Nam đã thoái toàn bộ vốn tại Công ty CP Khoáng sản FECON.

+ Thực hiện Nghị quyết số 15/NQ-CP ngày 6/3/2014 của Chính phủ về một số giải pháp đẩy mạnh cổ phần hoá, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp, PVN đang tiếp tục đẩy mạnh công tác thoái vốn ngoài doanh nghiệp. Đối với các công ty niêm yết có giá cổ phiếu giao dịch trên thị trường cao hơn mệnh giá thì thực hiện thoái vốn trực tiếp trên sàn từ nay đến cuối năm 2014. Đối với các doanh nghiệp thoái vốn dưới mệnh giá thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành.

Trong quá trình sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước trực thuộc, PVN gặp một số khó khăn sau:

- Một là, việc tìm kiếm các đối tác để thực hiện chuyển đổi hình thức sắp xếp gặp nhiều khó khăn trong điều kiện PVN vẫn cần nhiều vốn để đầu tư cho cac dự án dầu khí quan trọng.

- Hai là, một số doanh nghiệp thành viên của PVN cũng còn nhiều khó khăn trong hoạt động, đòi hỏi phải cần nhiều nguồn lực để tái cơ cấu tài chính trước khi cổ phần hóa.

- Ba là, cơ chế chính sách về thoái vốn, đặc biệt là các khoản đầu tư có khả năng không thu hồi đủ giá trị vốn ghi trên sổ sách, chưa được ban hành kịp thời cũng làm cho công tác thoái vốn của PVN còn khó khăn (Thanh Hương).

BÌNH LUẬN