Hải Phòng: Kết quả triển khai Đề án tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước năm 2014


Tính tổng số lượng doanh nghiệp thuộc UBND thành phố Hải Phòng thực hiện cổ phần hóa trong 02 năm 2014-2015 là 15 doanh nghiệp và bộ phận doanh nghiệp; thực hiện giải thể, phá sản 02 doanh nghiệp.

Ngày 11/01/2012, Thủ tướng Chính phủ đã có Công văn số 54/TTg-ĐMDN phê duyệt phương án sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước thuộc UBND Tp. Hải Phòng giai đoạn 2011-2015. Theo đó, trong giai đoạn này, UBND Tp. Hải Phòng duy trì 07 doanh nghiệp hoạt động theo loại hình công ty TNHH MTV do Nhà nước làm chủ sở hữu; thực hiện cổ phần hoá 05 doanh nghiệp và 03 bộ phận doanh nghiệp; bán hoặc phá sản 01 doanh nghiệp.

Ngoài ra, UBND Thành phố Hải Phòng tiếp tục triển khai cổ phần hóa những doanh nghiệp đã được phê duyệt cho giai đoạn trước (2007-2009) nhưng vẫn chưa hoàn thành. Tính tổng số lượng doanh nghiệp thuộc UBND thành phố Hải Phòng thực hiện cổ phần hóa trong 02 năm 2014-2015 là 15 doanh nghiệp và bộ phận doanh nghiệp; thực hiện giải thể, phá sản 02 doanh nghiệp.

Tình hình thực hiện sắp xếp, cổ phần hóa DNNN đến hết Quý IV/2014

Theo Báo cáo số 06/BC-UBND ngày 12/01/2015 của UBND Tp. Hải Phòng, đến hết quý IV năm 2014, Thành phố đã thực hiện tái cơ cấu, cổ phần hóa DNNN trực thuộc với kết quả như sau:

- Về việc thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp:

+ Quyết định tiến hành cổ phần hóa và thành lập Ban chỉ đạo cổ phần hóa 09 doanh nghiệp, gồm các Công ty TNHH MTV: Công trình công cộng và xây dựng Hải Phòng; Đảm bảo giao thông đường thuỷ Hải Phòng, Đường bộ Hải Phòng, Công trình công cộng và Dịch vụ du lịch Hải Phòng, Thương mại đầu tư phát triển đô thị, Công viên - Cây xanh Hải Phòng, Môi trường đô thị Hải Phòng, Thoát nước Hải Phòng, Quản lý và Kinh doanh nhà Hải Phòng.

+ Phê duyệt Phương án sử dụng đất của 05 doanh nghiệp, gồm các Công ty TNHH MTV: Da giầy Hải Phòng, Điện chiếu sáng Hải Phòng, Cấp nước Hải Phòng, Bến xe Hải Phòng, Phục vụ mai táng.

+ Phê duyệt giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa của 04 doanh nghiệp, gồm các Công ty TNHH MTV: Da giầy Hải Phòng, Cấp nước Hải Phòng, Bến xe Hải Phòng, Phục vụ mai táng.

+ Phê duyệt phương án cổ phần hóa của 03 doanh nghiệp, gồm các Công ty TNHH MTV: Da giầy Hải Phòng, Cấp nước Hải Phòng, Phục vụ mai táng. Hiện nay 03 doanh nghiệp này đang thực hiện bán đấu giá cổ phần lần đầu, trong đó Công ty Da giày Hải Phòng và Công ty Cấp nước Hải Phòng thực hiện trên Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội.

+ Thẩm định phương án sử dụng đất của 02 doanh nghiệp, gồm: Công ty TNHH MTV Đảm bảo giao thông đường thủy Hải Phòng, Công ty TNHH MTV Công trình công cộng và Dịch vụ du lịch Hải Phòng.

+ Thẩm định giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa 02 doanh nghiệp, gồm Công ty TNHH MTV Điện chiếu sáng Hải Phòng và Công ty TNHH MTV Công trình công cộng và xây dựng Hải Phòng.

Đến cuối năm 2014, UBND Tp. Hải Phòng đã ban hành quyết định cổ phần hóa, thành lập Ban chỉ đạo cổ phần hóa để triển khai thực hiện thủ tục cổ phần hóa đối với 14/15 doanh nghiệp, trong đó 05 doanh nghiệp đã có quyết định cổ phần hóa năm 2013 (gồm: Công ty Da giầy Hải Phòng, Công ty Phục vụ mai táng, Công ty Bến xe Hải Phòng, Công ty Cấp nước Hải Phòng, Công ty Điện chiếu sáng Hải Phòng); 01 doanh nghiệp còn lại là Công ty TNHH MTV Nông nghiệp Quý Cao do có nhiều tồn tại, vướng mắc nên chưa thể thực hiện cổ phần hóa.

Đối với 14 Công ty TNHH MTV nêu trên, UBND Thành phố đã phê duyệt phương án sử dụng đất của 05 công ty, phê duyệt giá trị doanh nghiệp của 04 công ty và phê duyệt phương án cổ phần hóa của 03 công ty, đạt 43% so với kế hoạch đặt ra.

- Về việc sắp xếp đổi mới Công ty TNHH MTV Nông nghiệp Quý Cao: UBND Tp. Hải Phòng đang xem xét, lựa chọn hình thức sắp xếp phù hợp để báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định.

- Về việc phá sản Công ty Xuất nhập khẩu Hải Phòng và Công ty Chế biến thủy sản xuất nhập khẩu Hải Phòng cùng đơn vị trực thuộc:

+ Công ty Xuất nhập khẩu Hải Phòng: Tòa án đang thụ lý hồ sơ phá sản doanh nghiệp theo đơn đề nghị phá sản của chủ nợ công ty.

+ Công ty Chế biến thủy sản xuất nhập khẩu Hải Phòng và các đơn vị trực thuộc: UBND thành phố đang xem xét để thực hiện hình thức phá sản.

- Về việc thực hiện chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước về Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) và thoái vốn Nhà nước: Hiện nay thành phố Hải Phòng còn 09 doanh nghiệp đã thực hiện sắp xếp, cổ phần hóa nhưng chưa bàn giao về SCIC , trong đó có 04 công ty đã nộp hồ sơ về SCIC (gồm: Công ty cổ phần Công trình đô thị, Công ty cổ phần Du lịch Biển Vàng, Công ty cổ phần Thiết kế chế tạo thiết bị, Công ty cổ phần Cung ứng tàu biển); 05 công ty còn lại là Công ty cổ phần Xây dựng và Phát triển cơ sở hạ tầng, Công ty cổ phần Thương mại đầu tư và Xây dựng Hải Phòng, Công ty cổ phần Thanh Niên, Công ty cổ phần Tư vấn thẩm định giá Hải Phòng, Công ty TNHH Thương mại quốc tế Hải Phòng. Việc thoái vốn Nhà nước tại các Công ty này sẽ do SCIC thực hiện sau khi tiếp nhận quyền đại diện chủ sở hữu.

Kế hoạch năm 2015, UBND Tp. Hải Phòng sẽ hoàn thành việc bán cổ phần lần đầu và tổ chức Đại hội đồng cổ đông thành lập của 03 doanh nghiệp có quyết định phê duyệt phương án trong năm 2014; tiếp tục thực hiện thủ tục cổ phần hóa đối với số doanh nghiệp chưa hoàn thành trong năm 2014; hết tháng 10/2015 sẽ hoàn thành cổ phần hóa 05 công ty còn lại có quyết định cổ phần hóa trong tháng 05/2014.

Một số khó khăn, vướng mắc

- Việc cổ phần hóa DNNN gặp rất nhiều khó khăn do thị trường chứng khoán phát triển không ổn định, giá cổ phiếu trên sàn giao dịch xuống thấp, ảnh hưởng đến tâm lý của nhà đầu tư khi tham gia đấu giá cổ phiếu các DNNN cổ phần hóa.

- Quá trình xác định giá trị doanh nghiệp phát sinh những khó khăn, vướng mắc do đối tượng thực hiện cổ phần hóa hầu hết là các doanh nghiệp hoạt động công ích, nhiều doanh nghiệp kinh doanh đa ngành nghề, tình hình tài chính phức tạp, cụ thể:

+ Về việc phê duyệt phương án sử dụng đất khi cổ phần hóa: Quá trình xây dựng phương án sử dụng đất của doanh nghiệp chậm do hồ sơ về đất đai của doanh nghiệp không đầy đủ. Bên cạnh đó, theo quy định của pháp luật, việc xác định diện tích đất loại trừ không tính vào giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa phải được thể hiện trên trích lục bản đồ địa chính hoặc trích đo địa chính đối với nơi không có bản đồ địa chính. Trong khi đó, chi phí trích đo đạc (trung bình mỗi doanh nghiệp phải chi phí vài trăm triệu đồng) lại không được tính vào chi phí cổ phần hóa dẫn đến gánh nặng cho ngân sách địa phương trong việc bố trí nguồn chi để thực hiện đo đạc.

+ Vướng mắc về việc phân loại tài sản và nguồn vốn khi xác định giá trị doanh nghiệp và xử lý lao động dôi dự. Tại Công ty TNHH MTV Bến xe Hải Phòng: Giá trị doanh nghiệp còn rất nhỏ sau khi loại trừ giá trị (còn lại) của tài sản cố định thuộc kết cấu hạ tầng xã hội theo quy định tại Nghị định số 10/2013/NĐ-CP của Chính phủ ngày 11/01/2013 về việc quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, gây khó khăn trong việc xác định tỷ lệ vốn nhà nước nắm giữ tại doanh nghiệp. Đồng thời, tại Công ty TNHH MTV Da giầy Hải Phòng gặp vướng mắc trong việc giải quyết chế độ cho người lao động dôi dư khi cổ phần hóa.

+ Quy định pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp đối với khoản chênh lệch tăng do đánh giá lại giá trị tài sản khi cổ phần hóa doanh nghiệp 100% vốn nhà nước. Theo quy định tại Điều 22 Thông tư số 151/2014/TT-BTC ngày 10/10/2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Nghị định số 91/2014/NĐ-CP về việc sửa đổi, bổ sung một số Điều tại các Nghị định quy định về thuế, các khoản chênh lệch do đánh giá lại tài sản trong trường hợp cổ phần hóa, sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp 100% vốn nhà nước không phải là khoản thu nhập chịu thuế. Tuy nhiên việc sửa đổi này mới được áp dụng cho kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp từ năm 2014.

Kiến nghị, đề xuất

- Đề nghị Bộ Tài chính cho ý kiến chỉ đạo về việc không phải trích nộp số thuế thu nhập doanh nghiệp đối với khoản chênh lệch tăng do đánh giá lại tài sản đối với các doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, mà thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp từ 31/12/2013 trở về trước và thời điểm công bố giá trị doanh nghiệp sau 01/01/2014.

- Đề nghị Chính phủ nghiên cứu xem xét ban hành chính sách về “hậu cổ phần hóa” đề giải quyết những vướng mắc về công tác cán bộ, bán phần vốn nhà nước trong công ty cổ phần, phương pháp đánh giá lại tài sản doanh nghiệp khi phát hành thêm… đối với doanh nghiệp đã hoàn tất thủ tục chuyển đổi

BÌNH LUẬN